
TẾT LÀ GÌ TRONG BẠN?
“Tết” trong từ điển của mỗi người chắc hẳn đều mang những nét đặc trưng riêng. STV cũng đã được nghe qua rất nhiều định nghĩa “Tết” của các bạn nhưng liệu rằng có thể tìm ra một định nghĩa cho một cái Tết trọn vẹn? Đó có thể là cảm giác ở những lần ngồi trên con xe chạy dọc theo những chậu hoa mai, hoa đào được trưng bày dọc đường hay xem dòng người nô nức mua vài chậu hoa đem về trưng bày. Đó cũng có thể là mâm ngũ quả, là mùi củ kiệu. Và còn cả những chiếc bao lì xì đỏ mừng tuổi cùng những lời chúc tốt đẹp cho một năm mới nữa chứ, tất cả đều được gói gọn trong hầu hết các định nghĩa về Tết. Và với riêng STV, tụi mình định nghĩa Tết bằng những khoảnh khắc quý giá mà gia đình quây quần bên nhau.
CHỈ CẦN NHÀ MÌNH BÊN NHAU, TỪNG PHÚT GIÂY ĐỀU LÀ TẾT
Bộ phim xoay quanh câu chuyện gia đình của Bình, An và mẹ. An là một cô bé nhí nhảnh, dễ thương và có đam mê làm youtuber. Bình là người anh đã có cho mình công việc riêng và thường xuyên đi công tác xa nhà. Và mẹ của An và Bình – người luôn yêu thương con gái và mong ngóng con trai quay về nhà trong dịp Tết để gia đình sum họp với nhau. Tết năm ngoái, Bình và An đã có những xích mích về việc An làm vlog mà không phụ việc nhà với anh. Từ đó, hai anh em không còn nói chuyện với nhau nữa. Bình ngoài mặt là thế nhưng trong thâm tâm vẫn luôn dõi theo từng chiếc vlog của em gái mình. Trong năm nay, vì có việc đột xuất nên Bình thông báo với mẹ là không về khiến cho An có cảm giác là vì mình nên anh hai mới như thế. Sau đó, An đã quay một vlog để nhắn nhủ với anh hai. Những tỏ bày chân thành chưa kịp nói ra của đứa em gái có lẽ đã khiến Bình xúc động. Anh vội vàng thu xếp và kịp đoàn tụ với gia đình vào đêm 30.
Thông qua bộ phim ca nhạc này, STV tụi mình muốn gửi đến các bạn khán giả một thông điệp:
“Tết đong đầy là khi nhà mình sum vầy.
Tết trọn vẹn là khi nhà mình hội họp.
Chỉ cần bên nhau, quanh năm đều là Tết.”
Đó cũng là lý do tụi mình quyết định đặt tên phim là “Quanh năm là Tết”. Chỉ cần nhà mình bên nhau, mỗi ngày thức dậy đều thấy họ khỏe mạnh, mỗi bữa cơm đều có nhau, chia sẻ cho nhau những câu chuyện đã trải qua thì hẳn mỗi phút giây đều tràn ngập không khí yêu thương của những ngày đầu năm.
PHIM CA NHẠC TẾT ĐẦU TIÊN CỦA STV
Thay vì sử dụng những thước phim với lời thoại đơn thuần để thể hiện thông điệp như thường lệ, tụi mình đã thử sức với việc dùng giai điệu và lời nhạc để diễn tả nội dung một cách sâu sắc nhất thông qua 4 bài hát do diễn viên Thanh Nhi (An) thể hiện.
Bài hát thứ nhất mang tên “Vui như Tết” của nhạc sĩ Châu Đăng Khoa. Đây là bài hát mở đầu với giai điệu bắt tai mang lại một không khí Tết vui tươi, háo hức chờ mong Tết về.Tiếp sau đó,ở phần tiếp theo của phim, nếu như “Xuân không màu” chính là sự tủi thân của An khi chứng kiến mẹ khóc thì với “Ta là gia đình” (Châu Nhi) bài hát được viết bởi nghệ sĩ Châu Nhi, cảm xúc ấy dường như dồn nén lại, không thể diễn tả hết bằng lời. Từng khúc hát rưng rưng khởi đi từ con tim, là những câu từ sâu thẳm trong tim mà An chưa bao giờ nói ra với anh mình, đó là: “Ta là gia đình. Ta là êm ấm cho nhau. Anh Hai hãy quay về…”
Để rồi, khi An và mẹ chấp nhận được sự thật rằng Bình không về trong dịp Tết này, thì bỗng nhiên Bình xuất hiện và cất lên câu hát nối tiếp với lời ca của An ở ca khúc “Tết nay đã về” như một câu trả lời cho định nghĩa về Tết đang bị bỏ ngỏ. Đồng thời, chính điều đó cũng giúp cho STV tụi mình lan toả được ý nghĩa đọng lại sau cùng: Hạnh phúc xuất phát từ sự quan tâm dành cho nhau. Tổ ấm sẽ được vun trồng bởi con tim đầy ắp sự thấu cảm.
Sau tất cả, hãy cùng tụi mình trải nghiệm từng cung bậc cảm xúc trong Quanh Năm Là Tết và trân trọng từng khoảnh khắc đoàn viên bên gia đình nhé!
Bài viết: Kim Ngân
STV – S Communications